Giá phân bón tăng lên mức cao nhất 16 tháng
20-04-2018 - 00:06 AM | Thị trường
Nối tiếp đà tăng giá từ cuối quý 1/2018, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng trong những tuần đầu tiên của quý 2 lên mức cao nhất 16 tháng. Dự báo thời gian tới giá vẫn tiếp tục tăng do giá dầu tăng và đứng ở mức cao bởi căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Tại Mỹ trong tuần kết thúc vào 16/4 giá phân bón tăng ở hầu hết các chủng loại. Năm trong số 8 loại phân bón chính hiện đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2017, trong đó urea tăng 6,4% đạt 354,51 USD/tấn, UAN tăng 11,2% đạt 237 USD/tấn và cao hơn cả là DAP tăng 13,8% đạt 484 USD/tấn – mức cao nhất 16 tháng. Nếu so với đầu năm 2018, giá tăng 7,6% đối với urea; DAP là 6,8% và UAN tăng 11,2%. Ngược lại, hai loại phân bón có giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là ammonia giảm 2,5% xuống 494 USD/tấn, loại pha trộn 10-34-0 giảm 4% còn 425 USD/tấn.
Căng thẳng địa chính trị đã đẩy giá dầu leo thang, cùng với nhu cầu sử dụng phân bón tăng vào mùa xuân, trong khi nguồn cung sụt giảm do nhà máy sản xuất phân bón tại bang Florida đóng cửa. Bên cạnh đó, Trung Quốc nước sản xuất phân bón lớn trên thế giới cắt giảm công suất các nhà máy, đáp ứng nhu cầu về khí đốt cho chiến dịch sưởi ấm trong mùa đông năm 2018 khiến nguồn cung DAP thiếu hụt. Những lo ngại về nhu cầu phân bón từ thị trường Ấn Độ là những yếu tố tác động đến giá phân bón thời gian qua.
Dự báo, thời gian tới giá tiếp tục xu hướng tăng khi dự kiến giá dầu thế giới có thể vượt mốc 100 USD/thùng trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công Syria để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở nước này.
Từ một nước xuất khẩu urea giờ đây Trung Quốc có thể sẽ trở thành nước nhập khẩu urea ròng. Từ 13 triệu tấn urea xuất khẩu trong năm 2015 xuống còn 4,7 triệu tấn năm 2017, do chi phí than đá cao buộc Trung Quốc phải cắt giảm công suất cho đến đóng cửa nhà máy sản xuất phân bón.
Trong khi Trung Quốc giảm xuất khẩu urea, thì Mỹ tăng xuất khẩu DAP. Số liệu hải quan từ Viện Phân bón (TFI) cho biết, tháng 1/2018 xuất khẩu DAP của Mỹ tăng 31% so với cùng kỳ năm trước đạt 60.460st. Trong đó Mỹ La Tinh chiếm 51% thị phần, Nhật và Australia chiếm 49%. Đối với thị trường Colombia tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước đạt 17.250st, xuất khẩu sang Honduras và Mehico là hai thị trường hàng đầu tại châu Mỹ La Tinh đạt lần lượt 5.524st và 4.988st. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Australia không đổi so với cùng kỳ năm trước đạt lần lượt 20.613st và 9.184st.
Tháng 1/2018 xuất khẩu phân MAP của Mỹ tăng đột biến gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2017 đạt 246.742st do nhu cầu tăng mạnh ở thị trường Australia (90.856st) và Canada (83.743st). Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Brazil lại giảm 59% so với cùng kỳ 2017 xuống còn 31.443st.
Xuất khẩu và nhập khẩu phân DAP thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 1/2018 đều giảm lần lượt 3% và 44%, tương ứng với 999.752st và 110.185st. Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Marốc đạt 72.308st. Nga đạt 34.113st. Ngược lại nhập khẩu MAP tăng 40% đạt 160.112st. Dự báo năm 2018 nhập khẩu phân bón tại Mỹ tiếp tục tăng so với năm trước, trong đó DAP tăng 15% đạt 541.833st và MAP tăng 18% đạt 689.441st.
Đối với MOP, tháng 1/2018 nhập khẩu tăng 7% so cùng kỳ đạt 1,2 triệu st. Trong đó, nhập từ Canada chiếm 84% đạt 1,02 triệu st, tăng 7%. Nga và Belarus là những nhà cung cấp hàng đầu đạt lần lượt 80.341st và 72.773st. Dự báo năm 2018 nhập khẩu MOP tăng 25% đạt 7,7 triệu st. Ngược lại, nhập khẩu SOP giảm 14% so với cùng kỳ xuống 5.180st. Canada là thị trường nhập chủ lực chiếm 60% đạt 3.094st. Nhập từ các thị trường Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc) và Đức chỉ đạt một lượng nhỏ. Dự kiến, năm 2018 nhập khẩu SOP tăng 29% lên 82.904st.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), việc sử dụng phân bón của Mỹ trong mùa vụ đầu năm 2018 có thể sẽ giảm so với năm 2017 khi nước này chuyển đổi cây trồng đậu tương và ngô.
Số liệu thống kê về tiêu thụ phân bón mới đây của USDA cho biết, tiêu thụ nitơ, phosphate, potash và lưu huỳnh giảm so với năm 2017, do Mỹ dự kiến giảm trồng 2,1 triệu mẫu ngô và 2 triệu mẫu đậu tương. Ngoài ra, các chính sách thương mại cũng có thể ảnh hưởng đến những sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và thời tiết mùa xuân không mấy thuận lợi, dẫn đến việc cắt giảm diện tích cây trồng.
USDA ước tính tiêu thụ nitơ năm 2018 đạt 8,15 triệu st, thấp hơn 1% so với năm ngoái và trung bình năm năm. Tiêu thụ phophaste và sulfur giảm nhẹ so với năm trước xuống tương ứng 3,65 triệu st tấn và 331.034st. Sử dụng sulfur ước tính tăng 8% so với mức trung bình năm năm, trong khi sử dụng phosphate không đổi.
Dự kiến tại Mỹ vụ trồng ngô sẽ tiêu thụ khoảng 5,79 triệu st nitơ, 1,96 triệu st phosphate, 2,11 triệu st kali và 214.727 st sulfur giảm 3% so với vụ trước.
Đối với đậu tương diện tích gieo trồng khoảng 89 triệu mẫu, tiêu thụ 203.306 st nitơ, 849.529 st phosphate, 1,3 triệu st kali và 41.000 st sulfur. Việc giảm diện tích cây trồng đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ sử dụng phân bón 6% so với năm trước và 7% so với mức trung bình 5 năm.
(1st = 907,18474 kg)
Theo Nhịp sống kinh tế
- Sử dụng hợp lý bentonite trong khẩu phần dinh dưỡng của động vật dạ dày đơn(07/10/2019)
- Dịch bệnh tiêu chảy cấp tính trên lợn – PED và cách phòng trị(07/10/2019)
- Kĩ thuật nuôi heo thịt hướng nạc(07/10/2019)
- Vi khuẩn probiotic và chức năng hàng rào của biểu mô ruột(07/10/2019)
- Masan xây thêm nhà máy chế biến thịt mát 1300 tỷ đồng ở Long An(12/12/2019)
- NGUỒN CUNG THỊT HEO TẾT 2020(12/12/2019)
- THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẠI GIA HẠN CÁC LÒ GIẾT MỖ THỦ CÔNG TẠI THỜI ĐIỂM TRƯỚC TẾT NGUYÊN ĐÁN 2020(12/12/2019)
- CUỘC ĐUA TỨ MÃ NGÀNH THỊT(12/12/2019)